Doanh nghiệp mở công ty tại Singapore thành công cần gửi đúng hồ sơ, giấy tờ đến đúng cơ quan chính phủ tại Singapore. Tuy nhiên có nhiều Doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin về Cơ quan Chính phủ Singapore và sự khác nhau về chức năng công việc giữa các cơ quan này.
Global Link Asia Consulting sẽ giới thiệu 7 cơ quan chính phủ tại Singapore giúp Doanh nghiệp hiểu rõ về các cơ quan chính phủ quan trọng khi thành lập công ty tại Singapore.
1. Cơ quan Quản lý Kế toán và Doanh nghiệp (ACRA)
Cơ quan Quản lý Kế toán và doanh nghiệp (Accounting and Corporate Regulatory Authority (“ACRA”)) là Cơ quan Chính phủ Singapore đầu tiên và quen thuộc nhất mà các chủ Doanh nghiệp sẽ làm việc trong quá trình thành lập công ty tại đây.
ACRA là cơ quan Singapore phụ trách quản lý kho hồ sơ doanh nghiệp, việc đăng ký kinh doanh, hoạt động các công ty, kế toán công, và các công ty hỗ trợ thành lập công ty ở Singapore.
ACRA là cơ quan Doanh nghiệp làm việc thường xuyên, thông qua thư ký công ty, để nộp báo cáo thường niên, cập nhập, khai báo thông tin công ty.
Thông qua cổng thông tin trực tuyến của ACRA là Bizfile, Doanh nghiệp có thể đăng ký thành lập công ty tại Singapore trực tuyến, với quy trình nhanh chóng chỉ trong vòng 1 – 2 ngày.
Bên cạnh việc hỗ trợ đăng ký công ty, ACRA cũng
- Cung cấp hướng dẫn pháp lý cho chủ Doanh nghiệp, công ty vừa và nhỏ dựa trên loại hình kinh doanh cụ thể;
- Cập nhập thông tin pháp lý mới nhất cần thực hiện, tuân thủ;
- Giám sát tài chính, đảm bảo công ty tuân thủ tiêu chuẩn kế toán, luật kinh doanh;
- Hỗ trợ các dịch vụ đăng ký tên miền ở địa phương (com.sg hoặc .sg) thông qua Trung tâm Thông tin Mạng Singapore (SGNIC).
2. Quỹ Tiết kiệm Trung ương và Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp và Kế toán (CPF)
Quỹ Tiết kiệm Trung ương và Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp và Kế toán (Central Provident Fund (“CPF”)) là quỹ hưu trí giúp công dân Singapore và thường trú nhân bằng cách hỗ trợ chi phí sinh sống khi nghỉ hưu.
Quỹ CPF được đóng góp bởi cả nhân viên (thông qua khấu trừ lương) và nhà tuyển dụng theo tỷ lệ do Hội đồng CPF quy định.
Phần "Nhà tuyển dụng" trên trang web chính thức của CPF cung cấp:
- Một cổng thông tin trực tuyến để đăng ký CPF cho công ty và nhân viên.
- Hướng dẫn về nghĩa vụ của nhà tuyển dụng đối với quỹ CPF và các quỹ con của họ (chẳng hạn như quỹ MediSave dành cho chăm sóc sức khỏe).
3. Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB)
Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (Economic Development Board (“EDB”)) là cơ quan chuyên cung cấp thông tin về các ngành công nghiệp mới nổi tại Singapore, đồng thời cung cấp thông tin cho các Doanh nghiệp đang nghiên cứu về tiềm năng kinh doanh tại Singapore.
EDB hợp tác chặt chẽ với các Doanh nghiệp quốc tế để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội phát triển ở Singapore trong nhiều lĩnh vực khác nhau; đồng thời thiết lập và tăng cường các hoạt động chiến lược tại Singapore bằng cách cung cấp một loạt các dự án đầu tư để giúp các Doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động ở Singapore.
EDB cũng hỗ trợ các nhà đầu tư cá nhân muốn chuyển đến Singapore với Chương trình Nhà đầu tư Toàn cầu (Global Investor Programme ("GIP")). Chương trình này cung cấp lộ trình phát triển nhanh chóng cho các nhà đầu tư để áp dụng và bảo đảm Thường trú nhân Singapore (PR) được hưởng các lợi ích như là ưu tiên các khoản vay và trường học.
4. Hội đồng theo luật định của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (ES)
Hội đồng theo luật định của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (Enterprise Singapore (“ES”)) là tổ chức được hình thành từ sự hợp nhất của hai Cơ quan Chính phủ Singapore - International Enterprise (IE) và SPRING Singapore. ES là cơ quan cung cấp đa dạng dịch vụ bao gồm hỗ trợ Doanh nghiệp dưới hình thức tài trợ, cho vay và bảo hiểm, ưu đãi thuế, cũng như hỗ trợ phi tài chính như trung tâm khởi nghiệp và các công cụ kinh doanh.
ES làm việc với các hiệp hội và phòng thương mại để tạo điều kiện cho những buổi trao đổi kiến thức và xây dựng mạng lưới cho các Doanh nghiệp. ES cũng hoạt động như cơ quan đánh giá tiêu chuẩn và chứng nhận cấp quốc gia của Singapore, giúp tăng độ an toàn và chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ Singapore cung cấp.
5. Cục Doanh thu Nội địa Singapore (IRAS)
Cục Doanh thu Nội địa Singapore (Inland Revenue Authority of Singapore (“IRAS”)) là cơ quan thuế của Singapore. Công ty Singapore có nghĩa vụ kê khai tất cả các loại thuế liên quan đến đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp. Một số sắc thuế chính như sau:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Singapore;
- Thuế nhà thầu tại Singapore;
- Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) tại Singapore;
- Thuế thu nhập cá nhân tại Singapore.
Ngoài ra, IRAS cung cấp thông tin hữu ích về các loại thuế khác dành cho người cư trú và làm việc tại Singapore, chẳng hạn như thuế đối với tài sản, cổ phần, thuế áp dụng cho tổ chức từ thiện, v.v. cũng như các thông tin về Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Singapore và các quốc gia liên quan, v.v.
6. Bộ Nhân lực Singapore (MOM)
Bộ Nhân lực Singapore (Ministry of Manpower (“MOM”)) được xem là cơ quan chính phủ Singapore quản lý tất cả những vấn đề liên quan đến cư trú và việc làm. Vì vậy những Doanh nghiệp mong muốn đến Singapore làm việc đều phải apply giấy phép làm việc với MOM, chẳng hạn như:
- Employment Pass;
- S Pass;
- Personalised Employment Pass;
- EntrePass;
MOM chính là cơ quan phụ trách và kiểm duyệt các đơn đăng ký thị thực (visa) để làm việc, học tập hay sinh sống tại Singapore và thị thực tạm trú dài hạn (Long term visit pass, Dependent pass) cho các thành viên gia đình của người có visa làm việc tại Singapore.
Bên cạnh việc xử lý đơn xin visa làm việc tại Singapore, MOM còn có thông tin và hướng dẫn hữu ích về sử dụng lao động, yêu cầu về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, cũng như thống kê chi tiết tình hình việc làm tại Singapore (như tỷ lệ việc làm, cơ sở đào tạo và nhà cung cấp trong black-list).
7. SkillFuture Singapore (SSG)
Để đảm bảo lực lượng lao động Singapore luôn dồi dào và thích ứng với những thay đổi trên thị trường, chính phủ đã thành lập cơ quan SkillFuture ("SSG"), chuyên cung cấp và hỗ trợ các chương trình học tập, đào tạo và phát triển trọn đời dành cho nhân viên địa phương.
Khi thuê bất kỳ nhân viên địa phương nào, chủ Doanh nghiệp cần tham khảo SSG để đăng ký SkillsFuture Development Levy (SDL). Các quỹ SDL được chuyển tới Quỹ Phát triển Kỹ năng, hỗ trợ các chương trình nâng cấp nguồn lực lao động. Các quỹ SDL cũng cung cấp các khoản tài trợ cho các nhà tuyển dụng để gửi nhân viên của họ đến các khóa đào tạo có chứng nhận với các chuyên ngành khác nhau.
Doanh nghiệp có chi nhánh đào tạo và phát triển tại Singapore cũng có thể đăng ký với SSG để trở thành nhà cung cấp khóa đào tạo chứng nhận SkillFuture, cung cấp cho nhân viên địa phương nhiều cơ hội hơn được tiếp xúc và kết nối với các Doanh nghiệp mới.
SkillFuture cũng cung cấp cho Doanh nghiệp mới cơ hội tổ chức các chương trình thực tập và đào tạo thực tế cho sinh viên đại học và cao đẳng tại Singapore.
8. Các cơ quan chính phủ khác tại Singapore
Ngoài bảy Cơ quan Chính phủ Singapore trên, khi đăng ký kinh doanh tại Singapore, chủ Doanh nghiệp cũng nên biết đến các cơ quan tư vấn về các lĩnh vực cụ thể khác như sau:
- Board of Architects (BOA) - Bắt buộc với các công ty cung cấp dịch vụ về kiến trúc hoặc thuê kiến trúc sư chuyên nghiệp.
- Council for Estate Agencies - Bắt buộc với các cơ quan và đại lý bất động sản.
- Majlis Ugama Islam of Singapore (MUIS) - Bắt buộc với các Doanh nghiệp có tên liên quan đến Hồi giáo hoặc có cụm từ 'Muslim' hoặc 'Halal' ở trong tên.
- Ministry of Defence - Bắt buộc với các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến quân sự hoặc quốc phòng.
- Ministry of Education, Private Schools Department - Bắt buộc với các Doanh nghiệp có cụm từ 'school', 'learning centre', 'education centre', hoặc 'training centre' trong tên.
- Ministry of Foreign Affairs – Bă buộc với các công ty sử dụng cụm từ 'ASEAN' ở trong tên
- Ministry of Law - Bắt buộc với các công ty cung cấp dịch vụ pháp lý.
- Monetary Authority of Singapore (MAS) - Cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương của Singapore, cần có sự cho phép của MAS để thành lập công ty mới trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, sàn giao dịch tương lai, phòng thanh toán bù trừ, bảo hiểm & quản lý tài sản. Tuy nhiên, các quy định có thể được nới lỏng cho các công ty công nghệ tài chính (fintech) được thành lập tại Singapore thông qua chương trình thử nghiệm của MAS.
- Professional Engineers Board (PEB) - Bắt buộc với các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật chuyên nghiệp hoặc thuê kỹ sư chuyên nghiệp.
- Singapore Police Force – Bắt buộc với các công ty phụ trách về vũ khí, chất nổ và đạn dược.
- Singapore Tourism Board – Bắt buộc với công ty sử dụng biểu tượng hoặc tên của Merlion, giống như các đại lý du lịch.
- Institute of Singapore Chartered Accountants – Bắt buộc với các công ty cung cấp dịch vụ kế toán.
- Ministry of Health (MOH) - Cần thiết cho các bệnh viện, trung tâm dịch vụ y tế, phòng khám, phẫu thuật hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe mới.
- Registry of Co-operative Societies – Bắt buộc để đăng ký hình thức hợp tác xã.
Đối với các cá nhân/tổ chức mong muốn thành lập công ty tại Singapore, việc hiểu tìm hiểu về các Cơ quan Chính phủ và phân loại chức năng hoạt động của các Cơ quan Chính phủ Singapore là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, nếu chưa làm việc trực tiếp với các Cơ quan Chính phủ này, rất khó để Doanh nghiệp ghi nhớ và phân biệt chức năng hoạt động của các Cơ quan Chính phủ. Điều này có thể gây ra nhiều khó khăn cho Doanh nghiệp khi chuẩn bị giấy tờ để thành lập công ty tại Singapore.
Lúc này, tìm đến một cố vấn kinh doanh có hiểu biết sâu rộng về các Cơ quan Chính phủ và quy trình hoạt động của mỗi cơ quan tại Singapore là một giải pháp hợp lý và cần thiết hơn bao giờ hết.
Bài viết trên được Global Link Asia Consulting Pte. Ltd. biên soạn và đăng trực tiếp vào website Global Link Asia Consulting lần đầu vào ngày 25 tháng 11 năm 2019. Bài viết, nhãn hiệu và hình ảnh đi kèm đã được Global Link Asia Consulting đăng ký sở hữu trí tuệ, thuộc sở hữu trí tuệ và bản quyền của Globlal Link Asia Consulting Pte. Ltd. Vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức trừ trường hợp được đồng ý bằng văn bản của Global Link Asia Consulting Pte. Ltd.